Không biết trả lời phỏng vấn xin việc, khó tìm nhà thuê hay rào cản ngôn ngữ là những vấn đề gây lúng túng người nước ngoài đến Nhật làm việc.
Một thực tập sinh nước ngoài làm việc trên công trường ở Tokyo tháng 5/2018. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Từ nhiều thế kỷ trước, người dân bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc bắt đầu nhập cư vào Nhật Bản và mang đến những kỹ thuật như làm bình gốm, sản xuất áo giáp và thậm chí hỗ trợ người Nhật xây dựng hệ thống pháp lý. Giờ đây, người nước ngoài đến Nhật Bản cũng đang tạo ra những tác động mạnh mẽ. “Họ xâm nhập vào mọi ngóc ngách của cộng đồng địa phương”, theo lời giáo sư Fumio Tanaka từ Đại hoc Waseda, Tokyo.
Nhật hồi tháng 4 thông qua luật mới cho phép hơn 300.000 người nước ngoài tới nước này trong vòng 5 năm tới để làm việc trong những ngành thiếu lao động nghiêm trọng. Chính sách này nhiều khả năng sẽ khiến số người nước ngoài tại Nhật tăng vọt, vốn đã ở mức kỷ lục khoảng 2,73 triệu người, tương đương 2% dân số Nhật.
Tuy nhiên, nhiều lao động nước ngoài mới đến Nhật Bản thường vấp phải những rào cản lớn, từ việc phải nắm bắt các chi tiết phức tạp của văn hóa doanh nghiệp Nhật đến việc vượt qua sự nghi ngại của chủ nhà trọ hay hiểu những gì bác sĩ nói với họ.
Zhong Zifang, nữ sinh viên Trung Quốc 22 tuổi hiện sống ở Nhật, đã không biết phải làm gì khi một nhà tuyển dụng yêu cầu cô phải “giới thiệu bản thân trong vòng 20 giây”.
Trước khi đến dự cuộc phỏng vấn, Zhong được khuyên rằng cô nên “có sao nói vậy”. Thế nhưng, khi đi phỏng vấn xin việc, các sinh viên Nhật biết họ cần sẵn sàng tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân. Zhong cảm thấy hối tiếc vì sự thiếu chuẩn bị này.
Cô không phải trường hợp duy nhất. Một số sinh viên nước ngoài bị đánh trượt bởi quy trình tuyển dụng kiểu Nhật Bản thậm chí ngay cả trước khi màn phỏng vấn bắt đầu.
Disco, công ty cung cấp thông tin việc làm tại Nhật, cho biết tỷ lệ sinh viên nước ngoài xin được việc ở các công ty Nhật Bản chỉ bằng khoảng 1/2 so với các sinh viên Nhật Bản vì đạt kết quả kém trong các bài kiểm tra phẩm chất và năng khiếu trước phỏng vấn, dù họ vượt qua bài kiểm tra kỹ năng chuyên môn và ngôn ngữ.
Một số tổ chức đang giúp đỡ sinh viên nước ngoài nắm bắt các kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc tại Nhật và hướng dẫn các ứng viên trẻ chuẩn bị cho đợt tuyển dụng mùa xuân hàng năm của các công ty Nhật. Sau khi tham dự một hội thảo việc làm, Zhong rút ra kinh nghiệm rằng sinh viên cần giới thiệu lý lịch, sở thích và thế mạnh của họ trong các cuộc phỏng vấn, cũng như đề cập tới lý do họ muốn gia nhập một công ty cụ thể. Cuộc hội thảo cũng hướng dẫn về cách nói và thậm chí cả cách ngồi khi gặp gỡ nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, các sinh viên nước ngoài vấp phải một vấn đề khác là công ty Nhật Bản có truyền thống tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và tránh các nhân viên đã lớn tuổi. “Có rất nhiều công ty tôi thậm chí không thể đăng ký xin việc vì đã 29 tuổi”, Richa Sharma, đến từ Nepal, cho hay.
Song nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ việc tuyển dụng thành công các ứng viên nước ngoài sẽ mang lại lợi ích lớn cho họ.
“Sử dụng người nước ngoài kích thích nhân viên người Nhật Bản làm việc và giúp cải thiện năng suất”, Takayuki Miyajima, nhà kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu Mizuho (MRI), nói. MRI ước tính tăng 100.000 lao động nước ngoài mỗi năm sẽ giúp tăng tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng của Nhật 0,1 điểm phần trăm.
Năm 2018, Originator, công ty tuyển dụng có trụ sở tại Tokyo giúp kết nối các công ty vừa và nhỏ với sinh viên nước ngoài, đã giới thiệu 514 nhân viên nước ngoài tiềm năng cho các công việc được đăng tuyển, tăng gấp 4 lần so với năm 2015.
Khi ngày càng nhiều người lao động nước ngoài đến Nhật Bản, các cộng đồng cũ phát triển thêm và cộng đồng mới ra đời. Thành phố Warabi ở tỉnh Saitama, sát Tokyo, có khoảng 2.000 người Kurd. Tokyo là nơi có nhiều cộng đồng sắc tộc nhất như Ấn Độ, Myanmar, Philippines, Nepal hay Việt Nam. Họ ngày càng mở rộng nhờ 600.000 người nước ngoài đến Nhật Bản trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, không phải tất cả người Nhật đều ủng hộ người nước ngoài đến sống ở khu phố của họ.
Tháng 10 năm ngoái, theo một cuộc khảo sát do Công đoàn Nhật Bản thực hiện, 30% người được hỏi cho biết họ cảm thấy “không tốt” hoặc “rất tệ” khi có thêm nhiều người nước ngoài đến sống gần nhà mình. Gần 40% nói họ cảm thấy “tốt” hoặc “rất tốt” nếu có hàng xóm là người nước ngoài. Song tỷ lệ người khảo sát nói “rất tệ” là 8,4%, cao hơn so với 3,4% người nói “rất tốt”.
Tìm kiếm nhà trọ có thể là một thách thức thực sự đối với lao động nước ngoài vì các chủ nhà cho rằng những khách thuê nhà người Nhật Bản sẽ bỏ đi khi những người nước ngoài dọn đến ở. Các văn phòng cho thuê bất động sản địa phương thường chỉ dành rất ít căn hộ cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế này lại giúp một số công ty bất động sản “ăn nên làm ra” khi làm kênh môi giới trung gian hỗ trợ những người nước ngoài mới đến Nhật Bản tìm chỗ ở. Có những công ty chuyên tu sửa những ngôi nhà cũ hoặc nhà hoang, vốn ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật khi dân số đang già hóa và suy giảm, trở thành nơi ở cho người nước ngoài.
Dù vẫn còn một chặng đường dài trước khi người nước ngoài có thể hòa nhập đầy đủ vào xã hội Nhật Bản, những dịch vụ hỗ trợ họ đang gia tăng nhanh chóng.
Tại một bệnh viện ở tỉnh Kanagawa, phiên dịch viên Ryo Mayuzumi ngồi bên một đôi vợ chồng Trung Quốc và dịch lại những gì bác sĩ nói với họ. “Đừng lo lắng, cuộc phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ”, Mayuzumi nói.
Năm 2015, Mayuzumi gia nhập Trung tâm đa ngôn ngữ Kanagawa, một tổ chức phi lợi nhuận ở thành phố Yokohama, chuyên cung cấp dịch vụ phiên dịch cho các bệnh nhân nước ngoài tại những bệnh viện thuộc tỉnh Kanagawa.
Trung tâm trên đã cử 7.185 lượt phiên dịch viên đến các bệnh viện ở tỉnh Kanagawa trong năm 2017, cao gấp 20 lần so với năm 2002 khi trung tâm mới thành lập. Họ đã cung cấp dịch vụ phiên dịch tại 70 cơ sở y tế.
Tuy vậy, dịch vụ hỗ trợ phiên dịch cho bệnh nhân nước ngoài vẫn còn thiếu trầm trọng, có thể dẫn đến các hậu quả đau lòng. Cách đây 30 năm, Geraldine Kurahashi, một người lao động đến từ Philippines, bị sẩy thai vì không hiểu lời dặn dò của bác sĩ.
“Thật đau lòng vì tôi không thể được điều trị đúng đắn chỉ vì rào cản ngôn ngữ”, bà nói.
Hồng Vân (Theo Nikkei Asian Review